Đề thi thử văn THPT Quốc gia 2021 mẫu số 22 (có đáp án).

Cùng làm đề thi thử văn THPT Quốc gia 2021 mẫu số 22 (có đáp án) để rèn luyện thêm các dạng câu hỏi và kiến thức đã được học để rèn luyện cho kĩ năng làm bài. Đề thi có kèm đáp án bên dưới để các em học sinh tự chấm điểm cho mình. Cùng làm ngay nhé!

Đề thi thử văn THPT Quốc gia 2021 mẫu số 22.

Bạn đang xem bài: Đề thi thử văn THPT Quốc gia 2021 mẫu số 22 (có đáp án).

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:

Chúng ta ai cũng đều biết, khoa học công nghệ với sự phát triển chóng mặt đã kéo theo sự ra đời của các trang mạng xã hội. Nói đến chúng, ta không thể không nhắc đến Facebook – một cái tên chẳng còn xa lạ với tất cả mọi người. Facebook là một trang mạng xã hội cho phép người dùng đăng tải những thông tin cá nhân, kết bạn, giao lưu, tương tác với mọi người. Chẳng cần bàn cãi hay bình luận gì thêm, chúng ta đều không thể phủ nhận được những lợi ích và vai trò to lớn mà Facebook mang lại. Còn gì kì diệu hơn khi mà nhờ nó, hai con người ở hai vùng miền khác nhau, xa cách về địa lí, không gian, vậy mà lại có thể quen nhau, kết bạn với nhau trong sự tương hợp về sở thích, mục tiêu chỉ bằng một chiếc điện thoại có kết nối Internet. Thú vị gì hơn khi mọi tin tức về giới showbiz, thần tượng, bạn bè, người thân đều được chúng ta cập nhật từng phút, từng giây? Bao nhiêu lợi ích không nhỏ của Facebook đã đủ trở thành chiếc nam châm thu hút mọi người, đặc biệt là giới trẻ. Càng dùng Facebook, càng có nhiều bạn, càng có nhiều điều hấp dẫn, thú vị mời gọi. Mải mê theo những cảm xúc ảo, ít ai nhận ra Facebook như là một con dao hai lưỡi mà những mặt trái của nó đang dần bộc lộ. Và một trong số đó là căn bệnh nghiện Facebook đã và đang diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ.

(…) Việc nghiện Facebook còn khiến cho cuộc sống của người dùng bị đảo lộn. Các hoạt động vui chơi ngoài trời cùng bạn bè, thể dục thể thao được thay thế bằng việc lên Facebook. Bị thu hút vào cái màn hình màu xanh hấp dẫn với những hình ảnh kia thì liệu còn thời gian đâu mà ăn uống hợp lí, thời gian cho bạn bè, cho người thân?  Họ sẽ đắm chìm trong thế  giới ảo mà quên đi hiện tại. Thế có nghĩa là, họ có thể kết bạn với biết bao bạn bè trên mạng nhưng lại đang bỏ qua những mối quan hệ thực tế, những tình cảm thực mà mọi người dành cho mình. Cùng với đó, các kỹ năng giao tiếp, ứng xử cũng dần bị mất đi. Vì thế, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mà một người nghiện Facebook có thể chém gió thỏa thích không chán với bạn bè khắp nơi nhưng lại khó có thể giao tiếp trực tiếp với mọi người. Cứ thế, họ trở thành “anh hùng bàn phím” và dần sống ảo với những tình cảm không thực tế.

(Nguồn: baigiangvanhoc)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2

. Nêu nội dung chính của đoạn trích trên.

Câu 3. Vì sao tác giả lại dùng hình ảnh chiếc nam châm thu hút mọi người để nói về mạng xã hội Facebook?

Câu 4. Câu văn “họ có thể kết bạn với biết bao bạn bè trên mạng nhưng lại đang bỏ qua những mối quan hệ thực tế, những tình cảm thực mà mọi người dành cho mình” gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày ý kiến của anh/chị về hiện tượng được nêu ra ở phần đọc hiểu: nhiều người nghiện Facebook đang trở thành những anh hùng bàn phím.

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong tác phẩm Rừng xà nu, Nguyễn Trung Thành đã để cho nhân vật cụ Mết thiết tha nhắc đi nhắc lại cái chân lí thời đại giản dị mà sâu sắc: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo.

Anh/chị hiểu câu nói trên như thế nào? Qua hình tượng nhân vật Tnú hãy làm sáng tỏ tư tưởng trên.

Hết

Đáp án đề thi thử văn THPT Quốc gia 2021 mẫu số 22.

Dưới đây là đáp án cho các em dựa vào tự tính điểm bài làm cho mình.

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Nghị luận

Câu 2.

Nội dung chính của văn bản: Những lợi ích của mạng xã hội Facebook và những tác hại của tình trạng “nghiện Facebook”.

Câu 3. Tác giả dùng hình ảnh chiếc nam châm thu hút mọi người để nói về mạng xã hội Facebook vì: Sự ra đời của Facebook với rất nhiều tiện ích đã khiến mạng xã hội này có sức hút lớn lao, nhất là với giới trẻ. Số lượng người dùng Facebook tăng lên không ngừng, dường như ai ai cũng có thể bị cuốn hút và một khi đã tham gia khó có thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của nó.

Câu 4. Câu văn “họ có thể kết bạn với biết bao bạn bè trên mạng nhưng lại đang bỏ qua những mối quan hệ thực tế, những tình cảm thực mà mọi người dành cho mình” cho thấy tác hại của việc “nghiện Facebook”:

– Con người sống trong thế giới ảo mà quên đi thế giới thực. Chúng ta dễ dàng kết bạn với người lạ trên mạng xã hội có khi chỉ bằng những lời bình luận, những câu chuyện không đầu không cuối. Kết bạn mà có khi chưa hiểu gì về nhau, thậm chí chưa biết mặt nhau. Những mối quan hệ đó đôi khi lại có sức hấp dẫn kì lạ làm con người dần dần quen với thế giới ảo mà lãng quên thế giới thực.

– Trong khi đó những mối quan hệ thực tế, những tình cảm thực mà mọi người dành cho mình như quan hệ bạn bè, thầy cô, gia đình… thì con người lại thấy xa lạ. Nhiều bạn trẻ có thể tương tác với bạn bè trên facebook rất tốt nhưng kĩ năng giao tiếp xã hội lại rất kém, có thể có hàng nghìn người bạn trên Facebook nhưng lại cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong thế giới thực.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)    

Thí sinh viết một đoạn văn có dung lượng khoảng 200 chữ, đảm bảo đúng yêu cầu về nội dung và hình thức của một đoạn văn. Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần có lập luận hợp lí, thuyết phục, bày tỏ quan điểm rõ ràng, không vi phạm các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật. Sau đây là gợi ý:

– Anh hùng bàn phím là gì? Đây là một thuật ngữ mới xuất hiện trong thời gian gần đây, dùng để chỉ chỉ tính chất làm quá, mạnh mồm, nói khoác lác, không giám chịu trách nhiệm về lời nói… của một bộ phận người dùng Internet trước một sự vật, hiện tượng nào đó đã và đang xảy ra.

– Hiện tượng người dùng Facebook trở thành anh hùng bàn phím ngày càng nhiều: Trước mỗi sự việc, hiện tượng những anh hùng bàn phím có thể tha hồ chỉ trích, chê bai, hoặc nói những chuyện dời non lấp biển… nhưng họ lại chẳng có một hành động thực tế nào để thể hiện được điều đó.

– Hậu quả: rất nhiều cá nhân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp… phải chịu thiệt hại nặng nề vì những anh hùng bàn phím như thế: một tin đồn về vắc – xin có thể khiến cả chương trình tiêm chủng quốc gia thất bại, một tin đồn về bưởi có chất gây ung thư có thể khiến hàng ngàn hộ nông dân trồng bưởi điêu đứng. Có những người bị trầm cảm, và đôi khi tìm đến cái chết, chỉ vì bị tấn công bằng ngôn từ quá khích trên mạng…

Xem thêm trong nội dung nghị luận về tác hại của mạng xã hội Facebook

– Bài học: Đây là một hiện tượng xấu, cần lên án mạnh mẽ. Mỗi người cần có những hành động cụ thể, thiết thực, nói đi đôi với làm; tránh việc phán xét, quy chụp, xúc phạm người khác trên Facebook.

Câu 2. (5,0 điểm)

a. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận

– Nguyễn Trung Thành là nhà văn có nhiều duyên nợ với mảnh đất Tây Nguyên cả trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ. Tác phẩm của ông đã tái hiện chân thực và hào hùng cuộc kháng chiến của đồng bào Tây Nguyên.

– Rừng xà nu là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Trung Thành viết về cuộc nổi dậy của buôn làng Xô Man chống bọn Mĩ – Ngụy. Qua tác phẩm, nhà văn làm sáng lên một chân lí của thời đại: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo

b. Giải thích câu nói của cụ Mết

– Bối cảnh: Trong đêm Tnú về thăm làng, cụ Mết kể lại cho buôn làng nghe câu chuyện về những mất mát đau thương của cuộc đời Tnú và cũng là của cả cộng đồng làng Xô Man.

– Lời của cụ Mết ngắn gọn, giản dị qua những hình ảnh có ý nghĩa ẩn dụ, tương phản:

+ Chúng nó: là cách cụ Mết dùng để gọi kẻ thù, cả bọn bán nước và lũ cướp nước

+ Mình: là lời tự xưng của cụ Mết, có ý nghĩa chỉ chung dân làng Xô Man, cộng đồng Tây Nguyên và mọi người yêu nước

+ Súng và giáo đều là những hình ảnh chỉ vũ khí nhưng nếu súng tượng trưng cho vũ khí hiện đại của kẻ thù thì giáo là vũ khí thô sơ, tự tạo của nhân dân ta.

=> Cần phải dùng vũ khí để đáp lại vũ khí, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực hung bạo của kẻ thù. Câu nói của cụ Mết cho thấy quy luật của phong trào đấu tranh cách mạng: trước sự tàn bạo của kẻ thù, nhân dân ta nhất định phải vùng lên đấu tranh.

c. Chứng minh qua cuộc đời Tnú

* Trước khi cầm vũ khí đấu tranh: 

– Tnú có đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp

+ Dũng cảm, gan góc: Dù giặc đã giết bà Nhan và anh Xút để cảnh cáo những người Tây Nguyên yêu nước nhưng Tnú vẫn hăng hái đi đưa cơm cho cán bộ với một niềm tin sắt đá Đảng còn, núi nước này còn. Bị giặc bắt và tra tấn, Tnú không hề khiếp sợ, đặt tay lên bụng mình mà nói: Cộng sản ở đây này.

+ Thông minh, lanh lợi: đi rừng không chọn đường mòn mà xé rừng để đi, qua suối không chọn chỗ nước êm mà chọn chỗ nước chảy xiết… vì giặc nó không ngờ.

+ Giàu lòng yêu thương và căm thù: Tnú yêu buôn làng, yêu vợ con tha thiết. Tnú căm thù quân giặc đến cháy bỏng vì chúng đã tàn phá bao cánh rừng xà nu, giết hại bao người dân Xô Man.

+ Cường tráng về thể chất: như một cây xà nu trưởng thành với bộ ngực rộng rãi, hai cánh tay như hai cánh lim rắn chắc, bằng tay không Tnú có thể quật ngã thằng lính giặc to béo nhất đang đánh mẹ con Mai… Tnú mang trong mình sức mạnh của cả núi rừng Tây Nguyên mênh mông và hoang dại.

– Nhưng với bằng ấy phẩm chất tốt đẹp, cuộc đời Tnú vẫn đầy bi kịch: Tnú không bảo vệ được vợ con, bản thân thì bị bắt, bị đốt mười đầu ngón tay đến mức mỗi ngón bị cụt mất một đốt. Đó cũng là bi kịch chung của cả cộng đồng làng Xô Man. Nguyên nhân vì sao? Vì Tnú chỉ có hai bàn tay trắng. Hình ảnh hai bàn tay trắng được nhắc lại nhiều lần trong câu nói của cụ Mết là biểu tượng cho những con người chưa biết cầm vũ khí đấu tranh.

* Sau khi cầm vũ khí đấu tranh:

– Tnú chỉ được cứu khi dân làng đã biết cầm giáo mác nổi dậy đấu tranh, tiêu diệt hết mười tên lính giặc.

– Khi đã cầm vũ khí, dù mang đôi bàn tay thương tật Tnú vẫn lên đường đi lực lượng, vẫn lập được chiến công và trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù.

=> Từ cuộc đời Tnú thấy được con đường đấu tranh tất yếu của người dân Tây Nguyên nói riêng và cả dân tộc ta nói chung: từ tự phát đến tự giác.

d. Đánh giá chung

– Tư tưởng có tính luận đề được thể hiện một cách khéo léo qua hệ thống hình tượng, qua cách kể chuyện đậm chất Tây Nguyên, tự nhiên, lôi cuốn.

– Hình tượng nhân vật được xây dựng bằng bút pháp sử thi, mang tầm vóc của cả cộng đồng, thời đại: Tnú gắn liền với một biểu tượng về sức sống bất diệt của người Tây Nguyên đó là cây xà nu; hình ảnh đôi bàn tay Tnú được miêu tả như một biểu tượng độc đáo cho cuộc đời và số phận của nhân vật; giọng điệu trang trọng, hào hùng; ngôn ngữ đầy chất tạo hình và chất thơ.

Kết luận:

Trên đây là đề thi thử văn THPT Quốc gia 2021 mẫu số 22 (có đáp án) do trường THPT Đồng Hới biên soạn và sưu tầm. Với mong muốn có thêm tài liệu để các em học sinh có tài liệu luyện tập chi tiết nhất. Chúc các em đạt được thành tích tốt trong kì thi quan trọng sắp tới!

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *