Đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 5

>>> CẬP NHẬT: Đề thi Văn THPT Quốc gia 2019

Tham khảo đề thi thử THPT QG 2019 môn Văn mẫu số 5 có đáp án nhằm ôn luyện các dạng bài tập, những kiến thức đã được học để biết được năng lực môn của mình, đồng thời rèn luyện kĩ năng làm bài, cách phân bố hợp lí khoảng thời gian làm bài và hạn chế được sai sót trong khi làm bài thi.

Bạn đang xem bài: Đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 5

>> Tham khảoBộ đề thi tham khảo môn Văn THPT Quốc gia năm 2019

Đề thi thử THPT quốc gia môn Văn mẫu số 5

Phần I. Đọc – hiểu (3 điểm)

Đọc đoạn văn bản sau và thực hiện các yêu cầu sau:

“Chiếc vòng tử tế” là một trong những hoạt động nằm trong chiến dịch “Tử tế” là do Viện nghiên cứu Kinh Tế, Xã hội và Môi trường chủ trì phát động nhằm hướng mọi người suy nghĩ về giá trị của sự tử tế và thực hành giá trị đó trong đời sống. “Chiếc vòng tử tế” là tên gọi của 100 chiếc vòng  đặc biệt trong chiến dịch được trao cho những người có uy tín trong cộng đồng như bà Tôn Nữ Thị Ninh, MC Diễm Quỳnh, ca sĩ Thái Thùy Linh, hot girl Chi Pu…Mỗi chủ nhân của 100 chiếc vòng cam kết sẽ thực hiện một điều tử tế trong vòng 4 ngày từ ngày nhận vòng, đồng thời chia sẻ lại câu chuyện rồi chuyền giao chiếc vòng cho một người khác.

Luật chơi của chiếc vòng tử tế là trong vòng 4 ngày sau khi nhận được chiếc vòng, bạn phải làm một điều tử tế và chia sẻ câu chuyện của mình trên facebook. Sau đó bạn tặng lại chiếc vòng cho một người khác, người cam kết sẽ làm những việc như trên. Cứ như thế chiếc vòng tử tế sẽ được truyền từ người này sang người khác. Trong ngày đầu phát động chiến dịch, 100 “chiếc vòng tử tế” được đánh số từ 1 đến 100 đã được trao cho những chủ nhân đầu tiên ở hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tính tới thời điểm này đã có rất nhiều việc tốt được thực hiện với câu chuyện thực sự “tử tế” được chia sẻ trên cộng đồng mạng.

Không có một định nghĩa chính xác hay cụ thể nào về sự “tử tế”. Đó là những hành động nhỏ thường ngày như vứt rác đúng chỗ, không vượt đèn đỏ, dắt một cụ già, em nhỏ qua đường, dừng xe nhặt hộ đồ rơi khi người đi trước không thể vòng lại,…Đó cũng là hành động lớn hơn như kêu gọi bảo vệ môi trường, thành lập tổ chức từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, …Nhưng điều qua trọng hơn cả, việc đó xuất phát từ cách nghĩ đẹp, lối sống văn minh, “tử tế” với chính mình và với những người xung quanh.

(Trích Kenh14.vn,30/10/2014)

Câu 1 (0,5 điểm) Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên?

Câu 2 (0,5  điểm) Luật chơi của chiếc vòng tử tế là gì? Ban đầu có những ai tham gia? Theo bạn sẽ có bao nhiêu việc tử tế được thực hiện?

Câu 3 (1 điểm). Căn cứ vào những việc làm tốt gần đây nhất của bản thân , anh/chị có thể nêu cách hiểu của mình về sự tử tế?

Câu 4 (1 điểm) Theo anh/ chị làm thế nào để những việc tử tế được lan tỏa trong cuộc sống hàng ngày? (Trình bày khoảng 5 – 7 dòng)

Phần II. Làm văn

(7 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu anh/chị hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về việc “tử tế” với chính mình và với những người xung quanh.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến trong đoạn thơ:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

(Tây Tiến – Quang Dũng)

Từ đó, liên hệ đến vẻ đẹp lí tưởng của người chiến sĩ cộng sản trong Từ ấy (Tố Hữu).

Đáp án đề thi thử THPT quốc gia môn Văn mẫu số 5

Phần I. Đọc – hiểu

Câu 1  

– Phong cách ngôn ngữ báo chí

Câu 2

– Luật chơi:

+ 100 chiếc vòng được trao cho những người có uy tín

+ Chủ nhân của chiếc vòng phải làm một điều tử tế trong vòng 4 ngày

+ Chia sẻ câu chuyện và chuyền chiếc vòng cho một người khác

– Ban đầu chỉ có 100 chiếc vòng được trao đi, nhưng chiếc vòng có sức lan tỏa và sẽ có hàng nghìn việc tốt được thực hiện.

Câu 3

Tử tế có thể là cách sống, đối nhân xử thế tốt đẹp, có thể là những việc là nhỏ bé, có thể là những cống hiến âm thầm, xuất phát từ lòng vị tha, nhân ái

Câu 4

– Biết sống vì mọi người, luôn quan tâm, giúp đỡ âm thầm không khoa trương.

–  Biết chia sẻ việc tốt giúp nhân lên giá tri nhân văn.

Phần II – Làm văn

Câu 1

Hướng dẫn làm bài

a. Đảm bảo hình thức đoạn văn nghị luận: thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, móc xích, song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: “tử tế” với chính mình và với những người xung quanh

c. Triển khai vấn  nghị luận: thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận theo nhiều cách nhưng có thể theo hướng sau:

Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau: 

1. Giải thích

– Tử tế là một chuẩn mực đạo đức quan trọng trong cuộc sống, là một phép tắc cần thiết trong giao tiếp giữa người với người, trong cách đối nhân xử thế, là một giá trị đẹp và nhân văn

– Việc “tử tế” là những việc làm tốt, việc làm đúng, việc làm có ý nghĩa, không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn cho xã hội.

2. Bàn luận

– Việc tử tế đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống. Việc tử tế xuất phát từ tấm lòng yêu thương con người và được đo bằng những việc làm cụ thể mang lại lợi ích cho cộng đồng.

– Những biểu hiện của việc làm tử tế: với bản thân mình thì ăn mặc tử tế, học hành tử tế. Với những người xung quanh thì dắt một cụ già, em nhỏ qua đường, đối xử tốt với mọi người…

– Việc làm tử tế không tự dưng mà có mà bản thân mỗi người phải được học hành, được dạy dỗ để làm những việc có ích.

– Việc làm tử tế sẽ tự lan tỏa mà không cần chia sẻ. Bản thân mỗi người tự phấn đấu, rèn luyện để trở thành người tử tế thì sẽ tạo nên một xã hội tốt đẹp.

– Phê phán những đối tượng sống ích kỉ cá nhân, sống thời cơ vụ lợi.

– Liên hệ bản thân

Lưu ý

d.  Chính tả, dùng từ, đặt câu: Không sai Chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể)

e. Sáng tạo: Cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (thể hiện được dấu ấn cá nhân, quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc), thể hiện ý phản biện nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Bài làm mẫu:

Trước tiên, “thế nào là tử tế?”. Đây là vấn đề đáng suy ngẫm và tự mỗi người tìm ra một câu trả lời riêng.

Giới trẻ ngày nay thường than thở với nhau rằng con người trong xã hội hiện đại ngày càng “sống nhạt”. Sao họ lại cảm thán như vậy? Bởi họ nhìn thấy điều đó từ những hành động, việc làm vô tâm, vô thức của một bộ phận người trong xã hội.

Ví như, dân ta từ xưa tới nay luôn đề cao truyền thống kính trên nhường dưới, nhưng ta dễ bắt gặp những việc làm trái ngược với truyền thống đạo đức đó. Như trên xe buýt, có những người thấy người già hay trẻ nhỏ phải đứng vì thiếu ghế ngồi, nhưng họ làm lơ, vờ ngủ, nhưng khi bị nhắc nhở, họ quay ra cáu gắt và nói rằng họ lên trước, họ được ngồi.

Hay một vấn đề nổi cộm khác là tình trạng “đánh hội đồng” vì mọi lý do. Hành động đó là không thể chấp nhận được, nhưng đáng lên án hơn cả là khi mọi người xung quanh không những không can ngăn mà còn reo hò, cổ vũ và quay clip tung lên mạng xã hội.

Chính những hành động, việc làm đó đã khiến người ta phải cảm thán rằng “con người ngày càng sống nhạt quá!”.

Tuy nhiên, đâu đó trong xã hội vẫn xuất hiện những nghĩa cử cao đẹp, ấm tình người. Trên trang xã hội lớn nhất hiện nay, Facebook, ta thường bắt gặp những hình ảnh một chiến sĩ công an dắt cụ già qua đường; một nhóm mạnh thường quân chia sẻ, kêu gọi mọi người chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh éo le, hay vận động hiến máu cứu người,….. được mọi người chia sẻ rộng rãi.

Còn nhiều những hình ảnh ấm áp hơn nữa. Song, có một hình ảnh về những người tử tế mà tôi thấy và để lại trong tâm trí tôi dấu ấn sâu đậm. Đó là trên đường Kim Mã, một bà cụ già yếu với sạp hàng rau đơn sơ ngồi bán trên vỉa hè. Bất chấp mưa gió bụi mờ, hằng ngày, cụ vẫn ngồi đó tới khi trời tối hẳn với gánh rau của mình chỉ mong kiếm thêm chút thu nhập.

Trong không gian chập choạng tối, dòng xe inh ỏi, tấp nập qua lại, bóng dáng cụ càng trở nên đơn côi hơn bao giờ hết. Trước hình ảnh đó, nhiều người qua đường cố nán lại mua hàng giúp cụ, dù những mớ rau đó không thật tươi ngon. Đôi khi, có những em học sinh đi qua cũng nán lại mời chào, bán hàng, gói hàng cho khách giúp cụ. Nhìn nụ cười móm mém hiền từ của cụ cùng những nụ tươi của những bạn trẻ, khiến ta thêm tin rằng, sự tử tế của mỗi cá nhân rất quan trọng, nhưng sự lan tỏa của nó còn quan trọng hơn gấp bội phần.

Câu 2

Hướng dẫn làm bài

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm.

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

Các ý chính

* Giới thiệu khái quát: Tác giả Quang Dũng, tác phẩm Tây Tiến và vấn đề nghị luận.

* Cảm nhận vẻ đẹp người lính

a. Vẻ đẹp ngoại hình: tiều tụy nhưng oai phong 

– “Không mọc tóc”, “xanh màu lá”: dáng vẻ tiều tụy, khác thường của người lính do điều kiện chiến đấu thiếu thốn, cực khổ, đặc biệt là căn bệnh sốt rét hoành hành.Nhưng cái dáng vẻ ấy vẫn toát lên sự tự hào, kiêu hãnh và khí phách “oai hùm” như chúa tể rừng xanh trong chiến đấu do cách nói đầy khẩu khí ngang tàng.

– “Mắt trừng”: là đôi mắt đang nhìn thẳng, mở to, không chớp, rực lửa căm thù, vừa thể hiện lòng căm thù giặc vừa thể hiện ý chí quyết tâm chiến đấu, vừa thể hiện sự oai phong lẫm liệt.

b. Vẻ đẹp tâm hồn: lãng mạn, hào hoa

– Người lính luôn phải đối mặt với cái chết, nhưng họ không nghĩ đến cái chết, vẫn “gửi mộng qua biên giới”, vẫn “mơ …dáng kiều thơm”.

-> Đó là tâm hồn mơ mộng, thể hiện chất hào hoa. Có lẽ tình yêu riêng tư đã hòa quyện tình yêu đất nước, nâng đỡ tâm hồn, tinh thần người lính, giúp họ vượt qua mọi gian khổ, hy sinh để chiến thắng kẻ thù.

c. Vẻ đẹp lí tưởng: cống hiến hết mình cho tổ quốc

– “Chẳng tiếc đời xanh”: là quan niệm vui vẻ hiến dâng tuổi trẻ cho tổ quốc, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

– > Cách diễn đạt khiến giọng thơ nghe có cái gì đó rất ngang tàng, kiêu bạc thể hiện rõ sự tếu táo rất lính tráng, rất vô tư, coi thường gian khổ, vượt lên hoàn cảnh, sự khắc nghiệt của thiên nhiên, môi trường.

d. Vẻ đẹp của sự hy sinh: vừa bi thương vừa hùng tráng

– Chiến tranh không tránh khỏi những đau thương mất mát, Quang Dũng đã nhìn thẳng vào sự thật để viết mà không hề né tránh. Những nấm “mồ viễn xứ”: gợi sự xa xôi, lạnh lẽo, cô quạnh, bi thương.

– Người lính Tây Tiến hào hùng trong chiến đấu thì khi ngã xuống cũng vẫn hào hùng.

“Áo bào thay chiếu”: là cách nói mĩ lệ hóa, làm giảm bớt sự đau thương. Thực tế, khi người lính ngã xuống, không có lấy một manh chiếu để khâm niệm thi hài.

– Sự hi sinh của những người lính dẫu để lại nhiều day dứt, xót xa nhưng với cách nói giảm “anh về đất” khiến ta có cảm giác sự ra đi này trở nên thanh thản, nhẹ nhàng lạ thường .

– Tiễn đưa những người lính ấy không tiếng kèn, tiếng trống, chỉ có dòng sông Mã “gầm lên khúc độc hành” như con chiến mã rú lên đau thương khi chứng kiến cái chết của người lính. Tiếng gầm ấy chính là khúc tráng ca tạo âm hưởng vừa dữ dội vừa hào hùng của thiên nhiên, khiến cho sự hy sinh người lính bi mà không lụy, đồng thời nâng cái chết lên tầm sử thi hoành tráng.

– Ngoài ra, Quang Dũng đã sử dụng một loạt các từ Hán Việt: biên cương, viễn xứ, áo bào…khiến cho những nấm mồ vùi lấp vội vàng nơi rừng hoang cũng trở thành những mộ chí tôn nghiêm.

=> Với cảm hứng lãng mạn xen lẫn hiện thực và sử dụng ngôn ngữ giàu tính tạo hình, giàu nhạc điệu, sáng tạo khi kết hợp từ Hán Việt, Quang Dũng đã dựng lên bức tượng đài bất tử về người lính trong kháng chiến chống Pháp, vừa bi tráng, vừa lãng mạn, hào hoa.

Tham khảo: Phân tích hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến

*. Liên hệ người chiến sĩ cộng sản trong Từ ấy (Tố Hữu)

– Người chiến sĩ cộng sản trong Từ ấy :

+ Là người chiến sĩ có niềm say mê mãnh liệt với lý tưởng cộng sản. Lí tưởng chính là ánh nắng hạ rực rỡ, là mặt trời chói sáng, soi rọi giúp cho người chiến sĩ ấy nhận ra con đường đi đến với chân lí, lẽ phải, công bằng, niềm tin, hi vọng. Lí tưởng còn chỉ đường, đem đến cảm xúc mới, sức sống mới cho nghệ thuật thơ ca của người chiến sĩ.

+ Là người chiến sĩ có lẽ sống cao đẹp. Con người ấy từ khi được giác ngộ lí tưởng, ý thức rằng cuộc sống và nghệ thuật thơ ca của mình không thuộc về cá nhân mình nữa mà thuộc về quần chúng cần lao và cuộc đấu tranh chung của dân tộc. Con người ấy đã tự nguyện đem cái “tôi” nhỏ bé của mình gắn kết với cuộc đời để tạo nên sưc mạnh đoàn kết, tranh đấu. Người chiến sĩ cũng ý thức rằng mình sẽ là một thành viên ruột thịt trong đại gia đình cách mạng của những người lao khổ, bị áp bức, chiến đấu vì một lí tưởng cao đẹp.

* So sánh:

a. Giống nhau

– Cả hai nhà thơ Tố Hữu và Quang Dũng đều xây dựng hình tượng chung người chiến sĩ cách mạng với vẻ đẹp lí tưởng sáng ngời, cùng sử dụng bút pháp lãng mạn cách mạng để thể hiện.

b. Khác nhau

– Tuy nhiên, mỗi nhà thơ đều sáng tạo hình tượng người chiến sĩ cách mạng với vẻ đẹp độc đáo riêng.

+ Người chiến sĩ cộng sản trong Từ ấy say mê lí tưởng Đảng, cất lên tiếng hát của một tâm hồn trong buổi đầu giác ngộ cách mạng, Qua đó thể hiện phong cách thơ trữ tình chính trị của Tố Hữu.

+ Người chiến sĩ trong Tây Tiến là đoàn binh hùng mạnh, tài hoa và lãng mạn, khí phách ngay cả khi còn sống và khi đã hi sinh. Qua đó, thể hiện hồn thơ trữ tình hồn hậu, phóng khoáng, tài hoa lãng mạn của Quang Dũng.

>> Bài tham khảo Hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Tây Tiến và Từ ấy có thể sẽ giúp ích cho em khi làm đề này

Lưu ý

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

*******

Với mẫu đề thi thử THPT Quốc Gia 2019 môn văn số 5, Đọc Tài Liệu hy vọng các em học sinh sẽ ôn tập tốt, rèn luyện kỹ năng làm bài và củng cố kiến thức để vượt vũ môn thành công. Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

– Tuyển tập đề thi thử THPT quốc gia môn văn – 

Trích nguồn: THPT Đồng Hới
Danh mục: Đề thi thử THPT Quốc Gia

Related Posts

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *