GIÁO DỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA MÔN ĐỊA LÝ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG
I. ĐẶT VẤN ĐỀ.
Vấn đề môi trường trong mấy thập niên gần đây trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhân loại.
Có nhiều cách để tiến hành giáo dục bảo vệ môi trường như thông qua việc khai thác kiến thức lồng ghếp trong từng tiết học hoặc tổ chức hoạt động ngoài giờ thông qua hình thức hoạt động ngoại khoá…. Đây là hai bộ phận hữu cơ hợp thành một thể thống nhất nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục trong nhà trường. nếu hoạt động nội khoá chủ yếu hình thành cho học sinh những kiến thức về môi trường và bảo vệ môi trường thì hoạt động ngoại khoá không chỉ mở rộng kiến thức mà còn giúp học sinh hình thành thái độ, hành vi bảo vệ môi trường, nó huy động sự tham gia của nhiều học sinh, đòi hỏi học sinh vận dụng các kiến thức đã học một cách tổng hợp để giải quyết vấn đề, kích thích hứng thú người học.
Qua thời gian công tác, tôi đã rút ra một số kinh nghiệm trong dạy học nói chung và trong vấn đề tích hợp, lồng ghép giáo dục môi trường nói riêng . Với mong muốn góp một phần nhỏ của mình vào sự nghiệp giáo dục, tôi mạnh dạn viết một vài kinh nghiệm trong vấn đề "giáo dục bảo vệ môi trường trong hoạt động ngoại khoá môn Địa lí ở trường phổ thông" để học sinh cùng đồng nghiệp tham khảo và cũng hy vọng các đồng nghiệp góp ý thêm để bài viết được hoàn thiện hơn.
I. NỘI DUNG.
I. QUAN NIỆM VỀ GIÁO DỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG.
Giáo dục bảo vệ môi trường là quá trình giáo dục nhằm giúp học sinh có những nhận thức về môi trường, thông qua kiến thức về môi trường tạo cho học sinh có ý thức, thái độ đối với môi trường, trang bị những kĩ năng thực hành. Kết quả là học sinh có được ý thức trách nhiệm với môi trường và biết hành động thích hợp để bảo vệ môi trường, ứng xữ thích nghi thông minh với môi trường.
Kết quả cao nhất, mục đích cuối cùng của giáo dục bảo vệ môi trường là học sinh có được ý thức trách nhiệm sâu sắc với môi trường, có được những hành động thích hợp để bảo vệ môi trường.
II. NHỮNG CÁCH TIẾP CẬN VỀ GIÁO DỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG.
- Khái thác những tri thức môi trường hiện có trong chương trình và sách giáo khoa các môn học.
- Tổ chức hoạt động cho học sinh.
III. QUAN NIỆM VỀ NGOẠI KHOÁ.
Ngoại khoá là hình thức tổ chức dạy học ngoài lớp, không quy định bắt buộc trong chương trình, hoạt động dựa trên sự tự nguyện tham gia của một số hay số đông học sinh có hứng thú, yêu thích bộ môn và ham muốn tìm tòi, sáng tạo dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Hoạt động ngoại khoá là hoạt động ngoài giờ học trên lớp, nội dung hoạt động ngoại khoá thường liên quan với nội dung học tập trong chương trình và phù hợp với hoàn cảnh của địa phương và đặc điểm các em tham gia.
IV. VAI TRÒ CỦA HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG
Nâng cao hiệu quả dạy học ở nhà trường, góp phần tích cực vào việc nâng cao, mở rộng vốn tri thức của các học sinh, rèn luyện kĩ năng, tăng cường hứng thú học tập bộ môn và giáo dục lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương, đất nước.
V. KHẢ NĂNG GIÁO DỤC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ Ở TRƯỜNG PHỔ THÔNG.
Hoạt động này được tiến hành tương đối thuận lợi và có hiệu quả vì:
- Dễ chủ động về mọi phương diện tổ chức, không bị ràng buộc nhiều bởi thời khoá biểu các môn học trong chương trình thực tế hiện nay.
- Các vấn đề môi trường diễn ra xung quang học sinh hết sức đa dạng và sinh động. Bản thân các cơ hội giáo dục môi trương trong chương trình dạy chưa đủ phong phú. Hơn nữa, không thể tách rời giáo dục môi trường ra khỏi cuộc sống thực tại đang chi phối đến quá trình phát triển nhân cách người học.
- Học sinh cần có được cơ hội thực tiễn để thực hiện trách nhiệm công dân, việc tích luỹ kinh nghiệm sống là một yếu tố quan trọng trong giáo dục.
- Sự thay đổi thái độ, hành vi và việc định hình các giá trị môi trường trong học sinh chỉ thực sự có ý nghĩa giáo dục khi những điều náy xẩy ra trong bối cảnh có thực.
V. CÁC HÌNH THỨC HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHOÁ.
Hoạt động ngoại khoá ở trường phổ thông có nhiều hình thức đa dạng:
- Tổ môi trường. - Tham quan, dã ngoại.
- Chiến dịch môi trường - Đố vui.
- Thi tìm hiểu về môi trường. - Câu lạc bộ môi trường.
- Dạ hội. - Trò chơi.
- Thông tin môi trường...
1. Hoạt động 1. Thành lập câu lạc bộ môi trường xanh- sạch- đẹp.
* Chủ nhiệm: Hs có năng lực, hiểu biết.
* Hội viên: các hs tự nguyện tham gia
- Biện pháp nâng cao hiệu quả của câu lạc bộ theo chủ đề từng tháng kết hợp với hoạt động của Đoàn trường giúp hoạt động trở nên hấp dẫn, các em phấn khởi nhiệt tình tham gia. -- --- Giáo viên bộ môn, chủ nhiệm câu lạc bộ cùng toàn thể hội viên đã làm tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa của môi trường đối cuộc sống hiện tại và tương lai theo các hình thức sau:
+ Phát tờ rơi cho học sinh tìm hiểu thực trạng môi trường của nước ta và địa phương
+ Tổ chức cho học sinh xem băng hình về thực trạng môi trường hiện nay, nguyên nhân và hậu quả.
+ Học sinh sưu tầm các hỉnh ảnh, tư liệu liên quan đến nội dung môi trường.
2. Hoạt động 2. Chiến dịch trồng cây xanh trong trường học.
*Mục tiêu.
- Làm cảnh quan nhà trường đẹp.
- Tạo môi trường trường học xanh, không khí trong lành, có bóng mát…
* Hình thức.
- Trồng cây lấy bóng mát, trồng cây xanh làm hàng rào.
* Địa điểm:
- Xung quanh khu vực trường.
- Đường vào cổng trường
* Chuẩn bị:
- Dụng cụ đào: Học sinh tự chuẩn bị cuốc, xẻng.
- Cây giống được nhà trường mua hỗ trợ từ Công ty giống cây trồng Thị trấn cung cấp.
* Hoạt động:
- Đào hố. Kích thước hố phải đúng quy định.
- Học sinh nhận cây giống.
- Tập trung đến các địa điểm được phân công, bỏ phân vào hố, trồng cây, rào và bảo vệ cây.
- Tưới nước, chăm sóc cây vào các ngày trong tuần cho đến khi cây bén rể, phát triển.
- Bàn giao cây cho nhà trường.
3. Hoạt động 3. Sinh hoạt văn hoá văn nghệ.
*Mục tiêu.
- Củng cố những nhận thức của học sinh về môi trường.
- Phát huy tinh thần tìm tòi, sự khám phá của học sinh.
- Phát triển năng khiếu văn nghệ, khả năng trình bày trước đông người cho học sinh.
* Chuẩn bị:
- Giáo viên:
+ Liên hệ mượn phòng,
+ Liên hệ với phụ trách thiết bị để chuẩn bị loa máy, khẩu hiệu, trang trí.
- Học sinh: Chuẩn bị sẵn các bài thơ, bài hát, khẩu hiệu liên quan đến vấn đề môi trường sáng tác hoặc sưu tầm được. (Giáo viên phụ trách đã hướng dẫn sưu tầm thời gian trước đó)
* Hình thức: Tổ chức hái hoa dân chủ.
* Hoạt động:
- Ổn định tổ chức.
- Chủ nhiệm câu lạc bộ tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu tham dự.
- Hát chung bài hát tập thể.
- Chủ nhiệm câu lạc bộ cho các thành viên câu lạc bộ lên bốc thăm câu hỏi và trình bày theo nội dung mà yêu cầu câu hỏi. Thành viên nào trong câu lạc bộ không trình bày được theo đúng yêu cầu thì có thể bị phạt bằng một số trò chơi khác.
- Đại biểu tham dự nhận xét, đóng góp ý kiến…
- Kết thúc hoạt động.
4. Hoạt động 4. Quản lí rác thải .
* Mục tiêu.
- Thu gom, xử lí rác thải.
- Làm cho khuôn viên trường luôn sạch sẽ, hợp vệ sinh.
* Thời gian:
- Vào trước buổi học hàng ngày.
*Địa điểm:
- Các phòng học và khu vực khuôn viên trường.
* Chuẩn bị
- Các thùng đựng rác được sơn các màu khác nhau.
- Hố rác.
- Chổi, sọt đựng rác, cuốc, cào.
* Hoạt động:
- Tập trung thành viên của câu lạc bộ xanh- sach- đẹp, nêu mục đích, ý nghĩa của hoạt động.
- Thu gom rác:
+ Mỗi thành viên của câu lạc bộ được phụ trách một lớp học, có nhiệm vụ chỉ đạo, giám sát việc thu gom rác trong khu vực phân công của lớp.
+ Học sinh từng lớp tiến hành thu gom rác.
- Xử lí rác.
+ Các lớp tiến hành phân loại rác và đưa các loại rác đã phân loại về hố rác đã quy định cho mỗi loại.
+ Các thành viên câu lạc bộ thảo luận đưa ra cách xử lí rác.
+ Thảo luận đưa ra biện pháp để hạn chế lượngrác thải trong nhà trường.
- Báo cáo kết quả: Mỗi thành viên của câu lạc bộ lần lượt báo cáo kết quả về quản lí rác thải của lớp mình phụ trách.
III. KẾT LUẬN
Từ thực tiễn đã áp dụng được tôi thấy, việc tích hợp, lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường trong các buổi ngoại khoá ở các môn học nói chung và môn Địa lí nói riêng rất hiệu quả. Đây chính là một trong những con đường hiệu quả để giúp các em nắm kiến thức về môi trường một cách nhẹ nhàng mà đạt hiểu quả cao, từ đó hình thành ở các em những hành vi, hành động bảo vệ môi trường, mặc dù những hành động nêu trên có thể chưa to lón nhưng cũng đã hình thành ở các em một tinh thần trách nhiệm trước thực trạng môi trường sống của chúng ta đang bị đe doạ, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Và những hành động dù nhỏ thôi nhưng chính bản thân các em đang góp một phần rất lớn vào mục tiêu xây dựng trường học thân thiện mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra.
Người viết
Nguyễn Thị Tú